Chương 5. Đại cương về kim loại

04 cách để không trượt mọi kì thi

BỐN CÁCH ĐỂ THI KHÔNG TRƯỢT – BỐN CÁCH BẢO VỆ KIM LOẠI KHỎI ĂN MÒN

Trước hết ăn mòn là sự phá hủy kim loại hoặc hợp kim do tác dụng của các chất có trong môi trường xung quanh. Kết quả là làm cho kim loại bị oxi hóa và mất đi các tính chất quý của nó. Vậy thì làm thế nào để chống ăn mòn kim loại?

Còn chuyện thi cử thì hầu hết trong đời ai cũng trải qua dăm lần. Và tất nhiên đối với sĩ tử chuyện sợ nhất là làm như thế nào để thi không bị … trượt.

Và đây là 4 cách để giúp các bạn thi chắc chắn không bị trượt, bạn hãy chịu khó đọc hết các phương pháp để tìm ra cách hợp lí cho mình nhé!

 

1. Phương pháp cách li – Những kẻ hèn nhát

Với kim loại hoặc hợp kim thì sự ăn mòn kim loại chỉ xảy ra khi chúng tiếp xúc với môi trường. Vậy cách đơn giản nhất là cách li chúng với môi trường hay còn gọi là phương pháp bề mặt. Nguyên tắc của phương pháp này là bao kín kim loại hoặc hợp kim cần bảo vệ bằng một lớp màng trơ hoặc tương đối bền. Các biện pháp thường được dùng là sơn, mạ, phủ nhựa, vecni, tráng các kim loại bền lên bề mặt như sắt tráng kẽm (tôn); sắt tráng thiếc (sắt tây), …

Vận dụng phương pháp cách li trong thi cử để tránh bị trượt đó là …. KHÔNG THI NỮA. Không thi thì đương nhiên là không trượt, thậm chí bạn còn có thể phét lác thở ra một câu điều kiện loại 3 kiểu như: “Nếu tớ mà thi thì chắc đỗ Y Hà Nội rồi” ấy chứ.

Phương pháp này thích hợp với các thí sinh học yếu đều, thích đốt cháy giai đoạn bỏ qua giai đoạn quá độ mà chuyển thẳng lên học ngôi trường lớn nhất: trường đời.

Với đa số các học sinh khác học rồi mà không thi kì lắm, phí công lắm, phải thi chứ thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu cách tiếp theo nhé

2. Dùng chất kìm hãm, chất ức chế  – giảm tác dụng ăn mòn của môi trường

Chất kìm hãm là các chất mà khi cho vào môi trường thì chúng làm giảm tác hại ăn mòn của môi trường giúp kéo dài thời gian sử dụng kim loại hoặc hợp kim. Ví dụ như để tránh bị oxi hóa kim loại bởi oxi người ta có thể sử dụng amin, hidrazin, sunfua, benzotriazole …

Trong thi cử cũng vậy các cụ có câu: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Để thi đỗ các phụ huynh và thí sinh cần đánh giá đúng năng lực, đúng khả năng của mình, của con em mình. Đừng tin vào điểm số trên lớp vì thi khác với kiểm tra trên lớp nhiều và hơn nữa tình trạng điểm ảo hiện nay là khá phổ biến đặc biệt là thời Covid, thời học – kiểm tra online.

Vậy cách dùng chất kìm hãm trong thi cử là gì? Đó là hãy hạ thấp mục tiêu của mình sát với khả năng, năng lực của mình nhất. Tôi ví dụ bạn muốn học Y nhưng năng lực không xuất chúng thì thay vì thi Y Hà Nội bạn có thể chọn Y Hải phòng, Y Thái Bình – nhẹ nhàng vừa sức hơn nhưng vẫn được theo đuổi đam mê theo nghề cứu người; Bạn thích học kinh tế nhưng không đủ sức vươn tới Ngoại thương thì hãy tìm trường nào đó nhẹ nhàng hơn có ngành học phù hợp như Thương Mại, Kinh tế, … Đừng quan trọng học trường nào, ở đâu mà hãy quan trọng học ngành gì, học như thế nào? Tôi biết khá nhiều bạn học sinh không học ở các trường Top nhưng vẫn rất thành công trong cuộc sống, trong nghề nghiệp. Còn nếu bạn quá dễ “bị ăn mòn”  thì hãy đi học Cao đẳng, trung cấp, trường nghề…. Có rất nhiều cánh cửa mở ra chờ đón bạn, không nhất thiết đó là cánh cổng trường Đại học.

3. Dùng hợp kim chống gỉ - Tăng cường khả năng chống ăn mòn cho kim loại

Dùng chất kìm hãm có vẻ “thụ động” quá thì chúng ta có thể sử dụng cách chủ động hơn đó chính là tăng cường khả năng của mình lên. Hiện nay một số loại vật liệu không gỉ được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi như inox chẳng hạn. Chắc nhiều bạn không biết được nguồn gốc của từ “inox” chính là ghép từ inoxydable – trong tiếng Pháp nghĩa là không thể bị oxi hóa mà ta dịch ra là không bị gỉ. Khi thêm vào thép một lượng Crom nhất định thì chúng ta thu được inox có khả năng chống gỉ rất tốt.

Vậy với các thí sinh chúng ta phải thêm Crom vào như thế nào cho “cứng”. Đó chính là các bạn hãy tăng cường ôn tập, tăng cường luyện đề, đọc kĩ sách giáo khoa, tăng cường trau dồi kiến thức thì tôi tin rằng sau khi “thép đã tôi thế đấy” các bạn sẽ trở nên cứng rắn thực sự và không sợ “ăn mòn”. Đây là cách tích cực nhất mà các bạn nên sử dụng với cách này chắc chắn các bạn sẽ thành công. Nếu không thành công chẳng qua là tại các bạn luyện chưa đủ nhiều thôi, ahihi

4 – Phương pháp điện hóa – Anot hi sinh coi khinh cả họ

Trong một số tình huống các phương pháp bảo vệ ở trên khó hoặc không thể thực hiện được thì người ta sẽ sử dụng phương pháp thứ tư đó là phương pháp điện hóa. Nguyên tắc của phương pháp điện hóa là dùng kim loại mạnh hơn kim loại ở cực âm gắn vào vật cần bảo vệ phần chìm trong dung dịch điện li để biến nó thành anot hi sinh thay cho kim loại ở cực âm. Ví dụ thường gặp nhất là vỏ tàu biển thường được gắn các tấm kẽm để làm anot hi sinh thay cho thân tàu bằng thép.

Trong thi cử năm nào cũng phát hiện ra một số trường hợp “ăn mòn điện hóa” kiểu này. Một số trường hợp thuê người giỏi hơn thi hộ mình, một số trường hợp lợi dụng các phương tiện truyền tin siêu nhỏ để gian lận, một số khác lợi dụng các mối quan hệ để trục lợi trong vấn đề thi cử. Tất cả các trường hợp đó bị phát hiện thì ôi thôi, nhục như con trùng trục, mà không phải một người nhục đâu, nhục cả họ, à không nhục cả tỉnh ấy chứ. Nếu có trường hợp nào mà lọt lưới thì lại có tòa án lương tâm, vào học rồi có khi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phát hiện bị đuổi học ….

Vậy bạn hãy suy nghĩ kĩ nếu có ý định sử dụng phương pháp này nhé.