Chuyên đề 12. Hiđrocacbon

Phản ứng đốt cháy 1 hiđrocacbon

     Các hiđrocacbon đều dễ dàng tham gia phản ứng đốt cháy. Phản ứng cháy có thể xảy ra với 1 hiđrocacbon hoặc hỗn hợp các hiđrocacbon. Trong bài này chỉ đề cập đến phản ứng đốt cháy 1 hiđrocacbon. Để giải được các bài toán đốt cháy hiđrocacbon, các em phải nắm được đặc điểm phản ứng đốt cháy một số loại hiđrocacbon điển hình trong chương trình:

1. Đốt cháy ankan

- Phương trình tổng quát: 

CnH2n+2 + (3n + 1)/2O2 → nCO2 + (n + 1)H2O

- Đặc điểm của phản ứng đốt cháy ankan:

 + nCO2 < nH2O hay n/(n+1) = nCO2/nH2O

+ nH2O - nCO2 = nankan bị đốt cháy.

- Nếu đốt cháy 1 hiđrocacbon mà thu được nCO2 < nH2O thì hiđrocacbon đem đốt cháy thuộc loại ankan.

2. Đốt cháy anken hoặc xicloankan

- Phản ứng cháy tổng quát của anken/xicloankan là: 

CnH2n + 3n/2O2 → nCO2 + nH2O

- Đặc điểm phản ứng đốt cháy anken/xicloankan: nCO2 = nH2O = 2.nO2/3.

- Nếu đốt cháy 1 hiđrocacbon thu được nCO2 = nH2O thì hidrocacbon có công thức tổng quát là CnH2n.

3. Đốt cháy ankin hoặc ankađien

- Phương trình phản ứng tổng quát:

CnH2n-2 + (3n - 1)/2O2 → nCO2 + (n - 1)H2O

- Đặc điểm của phản ứng đốt cháy ankin: nCO2 > nH2O và nCO2 - nH2O = nankin.

- Nếu đốt cháy 1 hiđrocacbon thu được nCO2 - nH2O = nhiđrocacbon thì công thức tổng quát của hiđrocacbon là CnH2n-2.

4. Phản ứng đốt cháy aren

- Phương trình phản ứng đốt cháy benzen và đồng đẳng của nó: 

CnH2n-6 + (3n-3)/2O2 → nCO2 + (n-3)H2O

- Đặc điểm của phản ứng đốt cháy:

+ nCO2 > nH2O

+ nCO2 - nH2O = 3nCnH2n-6

     Ngoài ra để giải được các bài toán đốt cháy hiđrocacbon, các em cần vận dụng tốt các định luật bảo toàn khối lượng và bảo toàn nguyên tố:

nO2 = nCO2 + 1/2.nH2O

mhiđrocacbon = mC + mH = 12nCO2 + 2nH2O

     Hochoaonline.net giới thiệu các bài tập để các em tham khảo: